Vũ trụ vật chất này được cấu thành từ năng lượng
Giới khoa học hiện nay đang bắt đầu khám phá về những gì mà các bậc thầy tâm linh và siêu hình học đã biết từ hàng thế kỷ nay. Vũ trụ vật chất của chúng ta thật sự không được cấu thành từ bất kỳ yếu tố “vật chất” nào; thành tố cơ bản của nó là một loại lực mà chúng ta gọi là năng lượng.
Khi xem xét dựa trên cấp độ cảm nhận của các giác quan, vật chất tồn tại ở thể rắn và rời rạc nhau. Tuy nhiên, ở cấp độ tinh vi hơn, bản chất hơn - cấp độ nguyên tự và hạ nguyên tử, theo quan sát, những vật chất có vẻ ở thể rắn kia là những phần tử vô cùng nhỏ gắn kết với nhau bằng một dạng năng lượng thuần khiết.
Về mặt vật chất, tất cả chúng ta đều tồn tại ở dạng năng lượng, vạn vật xung quanh ta và bên trong ta cũng được cấu thành từ năng lượng. Chúng ta là một phần của trường năng lượng vĩ đại. Những vật chúng ta nhận thấy là ở thể rắn và tách biệt nhau thật sự chỉ là những hình thức biểu hiện khác của nguồn năng lượng bản chất này. Hay nói cách khác, con người và vật chất đều được cấu thành từ nguồn năng lượng cốt lõi chung, nếu hiểu theo nghĩa đen, tất cả đều là một.
Năng lượng này đang tỏa lan với nhiều tốc độ khác nhau và chất lượng cũng khác, từ dạng tinh tế đến thô đặc. Xét một cách tương đối, suy nghĩ là dạng năng lượng tinh tế, nhẹ nên có thể thay đổi rất nhanh chóng, dễ dàng. Còn vật chất (cũng chỉ mang tính tương đối) là dạng năng lượng thô đặc, kết chặt thành khối nên tính năng vận động và biến đổi của chúng chậm hơn. Nhưng ngay trong vật chất cũng có sự khác biệt lớn giữa các loại khác nhau, chẳng hạn như cơ thịt sống là năng lượng ở dạng tinh tế, nhanh chóng thay đổi và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố; trong khi đó tảng đá kia là dạng năng lượng thô nên chậm biến đổi hơn và khó bị tác động. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, ngay cả đến tảng đá vững chắc kia cũng bị năng lượng nhẹ, tinh tế của nước chinh phục. Mọi hình thái năng lượng đều có quan hệ tương hỗ lẫn nhau và có thể tác động đến nhau theo quy luật tương sinh - tương khắc.
Năng lượng có sức hút
Đây là một trong những quy luật về năng lượng: Năng lượng phát tỏa từ một phẩm chất nào đó hoặc loại năng lượng tạo ra các luồng xung động sẽ có xu hướng thu hút năng lượng có cùng phẩm chất và có làn sóng rung động tương tự.
Suy nghĩ và cảm xúc có lực hút của riêng nó, chúng thu hút những năng lượng có bản chất tương tự. Chúng ta có thể nhận thấy nguyên tắc này cũng vận hành trong công việc, chẳng hạn như khi chúng ta “vô tình” gặp người mà ta vừa suy nghĩ về họ, hoặc “bất chợt” bốc ngay quyển sách chứa đựng chính xác thông tin ta cần lúc đó.
Từ ý tưởng định hình nên vật chất
Suy nghĩ là dạng năng lượng cơ động, nhẹ và di chuyển nhanh. Nó bộc lộ ngay tức thời, không giống với những thể rắn như vật chất.
Khi chúng ta sáng tạo ra một cái gì đó, chúng ta bao giờ cũng tạo ra nó dưới dạng suy nghĩ trước tiên. Suy nghĩ hay ý tưởng luôn là xuất phát điểm đầu tiên cho mọi sự biểu lộ sẽ được cảm nhận qua các giác quan. Ví dụ: ý nghĩ “Tôi nghĩ sẽ chuẩn bị bữa tối” dẫn dắt cho hành động nấu ăn; “Tôi muốn có một chiếc váy cưới” dẫn dắt cho hành động đi mua một chiếc váy; “Tôi cần một công việc” sẽ dẫn dắt hành động tìm việc làm,…
Người họa sĩ nào cũng cần phải có một ý tưởng “phôi thai” hoặc nguồn cảm hứng ban đầu để sau đó họa nên một bức tranh. Người thợ xây trước hết cần có bản thiết kế rồi từ đó xây nên cả tòa nhà.
Ý tưởng giống như bản phác thảo; nó tạo ra trong tâm trí một hình ảnh nào đó, sau đó nó thu hút và hướng dẫn nguồn năng lượng vật chất để kiến tạo sự vật theo ý tưởng ấy, và cuối cùng từ ý tưởng vô hình đã biến thành một dạng vật chất hữu hình.
Nguyên tắc này vẫn đúng ngay cả khi chúng ta không hành động trực tiếp, cụ thể để tạo ra những ý tượng của mình. Việc có một ý tưởng hay suy nghĩ ban đầu và giữ nó trong tâm trí chính là nguồn năng lượng sẽ có xu hướng thu hút các điều kiện cần thiết để tạo ra điều bạn vẫn nghĩ đến. Nếu bạn liên tục suy nghĩ về bệnh tật, đến lúc nào đó có thể bạn sẽ mắc bệnh thật; còn nếu bạn tin mình xinh đẹp, bạn sẽ trở nên như thế. Những ý tưởng vô thức, ngẫu nhiên hay những cảm xúc thoáng qua trong ta cũng phát huy tác dụng tương tự.
Quy luật lan tỏa và hấp dẫn
Quy luật này phát biểu rằng bất cứ thứ gì bạn đưa ra vũ trụ hay thế giới, chúng sẽ được phản hồi trở lại với chúng ta theo quy tắc “Gieo gì, gặt nấy”.
Quy luật này cho rằng chúng ta luôn thu hút vào cuộc đời mình những điều chúng ta nghĩ đến nhiều nhất, có niềm tin mạnh mẽ vào nó nhất, nuôi sâu kỳ vọng về nó, hoặc hình dung ra nó một cách sống động nhất.
Khi chúng ta sống trong tâm trạng tiêu cực và sợ hãi, cảm thấy bất an hay âu lo, chúng ta thường thu hút lại gần mình những trải nghiệm, tình huống hay những con người mà chúng ta đang tìm cách tránh né. Nếu cơ bản chúng ta mang thái độ vui thích, thỏa mãn và hạnh phúc, chúng ta có xu hướng thu hút và tạo ra những tình huống, sự kiện và con người tương thích với những mong muốn tích cực của ta. Do vậy, việc chủ động hình dung ra những điều ta mong muốn sẽ giúp cho tiến trình hiện thực hóa ước mong dễ dàng hơn trong thực tế cuộc sống.
Năng lượng chảy theo hướng chú ý (Energy Flows Where Attention Goes).
Khi bạn tập trung vào điều gì, bạn sẽ có điều đó nhiều hơn. Khi bạn tập trung vào những thứ mình muốn trong đời, bạn sẽ có nhiều những thứ đó hơn và những thứ bạn không muốn sẽ dần biến mất. Khi cánh cửa tích cực mở ra, cánh cửa tiêu cực sẽ đóng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét