Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Wislawa Szymborska | Thế kỷ chuyển giao (Như Huy dịch)


Wisława Szymborska (2 July 1923 – 1 February 2012) 


Được dự đoán là sẽ hay ho hơn các thế kỉ khác, thế kỉ 20 của chúng ta
Song thời gian để chứng minh giả định này 
đã hết
Năm tháng thế kỉ đã tận kiệt
Bước chân thế kỉ đã chuệnh choạng
Hơi thở thế kỉ đã đứt quãng 

Quá nhiều điều không định trước đã xảy ra
Và đã chẳng xảy ra những điều từng định trước
như là 
Mùa xuân tới,
cùng hạnh phúc, và bao điều khác nữa
Nỗi sợ hãi phải rời khỏi các núi đồi và thung xa
Sự-thật phải cán đích trước dối trá

Những sự bất hạnh nào đó
Như cơn đói, chiến tranh, vân vân, và vân vân
Phải không được lặp đi lặp lại

Sự không-tự-vệ nơi những kẻ-không-tự-vệ
Cũng như lòng tin cậy, và những điều tương tự thế
Phải được tôn vinh

Song,
vẫn là nhiệm vụ bất khả thi
Cho những ai muốn yêu thương thế giới 

Sự ngu dốt đã chẳng nực cười
Sự minh triết đã chẳng hóm-vui

Hy vọng 
tiếc thay,
đã hết mang hình hài em gái thơ ngây 
Vân vân và vân vân.

Thượng đế, lẽ ra, rốt cuộc đã phải tin vào con người:
Thiện hảo và mạnh mẽ,
nhưng thiện hảo và mạnh mẽ vẫn cứ là hai kẻ
khác nhau

Biết sống sao đây? qua thư, có người muốn hỏi
Nhưng chẳng phải 
người gửi thư cũng chính là người 
tôi từng muốn hỏi y như vậy 
đó sao?

Một lần nữa, giống mọi khi
Như trên cho thấy
Chẳng câu hỏi nào khẩn cấp cho bằng
Các câu-Hỏi-Đơn-Sơ

Tác phẩm "Đi ngược dòng biểu tình" của Niwa Yoshinori




Lâu lắm không viết giới thiệu tác phẩm, vì bận quá ☺. Hôm nay, trong giai đoạn chờ bước vào một đợt bận mới với…3 dự án liền 1 lúc, tôi tự thưởng cho mình bằng việc giới thiệu một tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản sinh năm 1982, Niwa Yoshinori. 

Niwa Yoshinori là một trong các nghệ sĩ đang lên của nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Tác phẩm của anh luôn thách thức các đường biên của nghệ thuật đương đại thông qua việc sử dụng lối tiếp cận “can thiệp vào đời sống “ (intervention), và bằng chính sự can thiệp này, đặt ra những thức nhận mới cho công chúng về các định niệm cũ xưa-không chỉ về văn hoá, xã hội, mà còn về chính bản thân vai trò của nghệ thuật/nghệ sĩ trong đời sống ( các bạn có thể click vào đây để vào website của anh để xem thêm)

Trong thời gian nhiệm trú nghệ thuật tại Arts Chiyoda 3331, Tokyo, chúng tôi đã có một buổi trình bày (với Niwa cùng một số các nghệ sĩ khác) về các tác phẩm của mình. Tôi đặc biệt có ấn tượng về một tác phẩm Niwa trình bày hôm đó, có tên là: “Đi ngược dòng biểu tình” (Walk in the Opposite Direction of a Demonstration Parade), được thực hiện vào năm 2011.

Trong tác phẩm này, Niwa- trong vai trò người trình diễn- tìm cách đi ngược hướng một dòng người biểu tình đang hô vang khẩu hiệu yêu cầu chấm dứt việc sử dụng điện từ nguồn hạt nhân (Các bạn xem video ở dưới đây) 

Tác phẩm được mô tả như sau:

“…Niwa tham dự vào một cuộc biểu tình chống sử dụng năng lượng nguyên tử, và đi ngược hướng từ đầu cho tới cuối dòng người biểu tình. Như thể không hề có chút liên nối gì với các thái độ quả quyết của cuộc biểu tình, trong tiến trình đi ngược dòng người, tác phẩm này đã nắm bắt phản ứng và sự bày tỏ thái độ của mọi người trước hành vi đi ngược dòng đó. Qua hành vi này, Niwa nỗ lực giải kết cấu hiện tượng có tính tập thể của một cuộc biểu tình, và từ đó, đặt ra câu hỏi về tính cá nhân…”

Sau khi xem xong tác phẩm, tôi đã hỏi Niwa vì sao anh lại làm một tác phẩm như vậy, và bản thân anh thì cổ vũ hay phản đối việc đòi hỏi chấm dứt sử dụng năng lượng điện hạt nhân tại Nhật? Niwa đã trả lời rằng, trong vai trò một người dân, anh hoàn toàn đồng tình với mục đích của cuộc biểu tình đó, và sẵn sàng tham dự. Tuy nhiên trong vai trò là một nghệ sĩ, anh muốn đặt ra các câu hỏi xa hơn về mối quan hệ giữa tính cá nhân và thân phận của cá nhân thiểu số trong mối tương quan với tập thể- đa số. 

Tôi chợt nhớ đến một buổi thảo luận tại Indonesia với một số nghệ sĩ và giám tuyển. Chúng tôi cũng đã từng đề cập đến vấn đề này- tức đến câu hỏi thực sự thì vai trò của nghệ sĩ và nghệ thuật là gì trong thời điểm hiện nay. Một giám tuyển đã đưa ra một câu trả lời theo tôi là rất thú vị. Theo ông, vào thời xưa kia, khi còn tồn tại hình hệ nghệ thuật có tính ý thức hệ, nhiệm vụ của nghệ sĩ có thể chính là việc chống lại các quyền lực khả thị (visible power). Tuy nhiên, trong thời buổi hiện tại, khi thế giới đã bước vào một kỉ nguyên mà mọi thứ đều trộn lẫn và khó có thể còn tồn tại các câu trả lời đen trắng rõ ràng, nhiệm vụ lớn của nghệ sĩ phải là việc vạch trần ra các dạng quyền lực ngầm ẩn (invisible power). 

Kết nối ý tưởng này với tác phẩm “đi ngược dòng biểu tình” của Niwa, chúng ta thấy rõ ràng là, nếu như bản thân đoàn biểu tình với các khẩu hiệu hoàn toàn đúng đắn của nó, có thể là một thực hành chống lại một quyền lực khả thị ( ở đây có thể là quyền lực về chính trị, kinh tế, tư bản, hay quyền lực của khoa học kĩ thuật, trước thiên nhiên) – thì thực hành của Niwa lại đã đặt câu hỏi vào một dạng quyền lực ngầm ẩn- tức quyền lực của đa số, quyền lực của đám đông- một thứ quyền lực sẽ luôn có nguy cơ trở nên mù quáng khi lên tới một tầm mức nào đó, và vào lúc ấy, thực hành quen thuộc của dạng quyền lực này sẽ là tiêu diệt mọi giọng điệu khác với giọng điệu của nó. 

Xem tác phẩm:




Note: bản quyền hình ảnh và video clip ở bài này: (c) Yoshinori Niwa Courtesy of Ai Kowada Gallery

Một số câu nói của mẹ Teresa về Tình yêu thương




1-Nếu cứ mải xét nét người, thời gian đâu ra mà yêu thương họ?

2- Tôi thấy ra một nghịch lí kì khôi.  Đó là, nếu cứ yêu thương cho đến mức chịu bẽ bàng và thương tổn, thì ngay khi ấy, mọi tổn thương bẽ bàng sẽ tự-dưng-chấm-dứt,  chỉ còn lại duy nhất tình yêu

3- Ai mà chẳng vô lý và vị ngã. Kệ họ nhé
Khi mình tốt thì  bị  cho là có mưu đồ xấu. Vẫn cứ tốt nhé
Khi mình trung thực và thẳng thắn thì hay bị lừa. Vẫn cứ trung thực và thẳng thắn nhé
Khi mình bình yên và hạnh phúc. Họ sẽ ghen tị. Vẫn cứ hạnh phúc nhé
Khi mình thành công, sẽ xuất hiện những người bạn xạo và những kẻ thù thực sự. Vẫn cứ thành công nhé
Điều tốt mình làm cho người hôm nay, ngay ngày mai, họ sẽ quên tiệt. Vẫn cứ làm điều tốt nhé
Thấy không? Nếu nghĩ cho tới, ta sẽ thấy rằng, vấn đề ở đây là giữa ta và Chúa. Nào phải giữa ta và họ

4- Vấn đề không phải là việc ta đã cho đi bao nhiêu, mà là việc ta đã trút bao nhiêu yêu thương vào sự-cho-đi ấy?

5- Không phải bất kì ai cũng có thể tạo nên các kì tích vĩ đại. Nhưng ai cũng có thể trút tình yêu thương lớn lao vào những điều nhỏ bé.

6- Tình yêu thương thực sự không so đo tính đếm. Nó chỉ biết nhẫn-nại-cho-đi

7- Ki-Tô nói yêu thương lẫn nhau. Ngài không bảo phải yêu lấy toàn thế giới.

8- Những gì ta xây dựng hàng năm ròng có thể sụp đổ chỉ trong một đêm. Nhưng vẫn cứ xây nhé.

9- Một trong những tật bệnh ghê sợ nhất, đó là không-có-ý-nghĩa-với-bất-kì-ai

10- Đừng nghĩ rằng tình yêu thương thực sự phải là điều gì đó vô tiền kháng hậu. Những gì chúng ta cần chỉ là: nhẫn-nại-yêu và đừng-mỏi-mệt.


Một cuộc tranh luận giữa Ngải Vị Vị và Paul Gladston

Hai bài viết dưới đây, một bài do Ngải Vị Vị, nghệ sĩ và nhà tranh đấu Trung Hoa đăng trênguardian, phản đối triển lãm mới đây có tên "Nghệ thuật của sự biến dịch: Những xu hướng mới từ Trung Hoa" được tổ chức tại gallery  Hayward, London, và bài thứ hai, do giáo sư Paul Gladston, giáo sư đại học  Nottingham, London, phản biện lại bài viết của Ngải Vị Vị, đăng trên radian

Đây là một cuộc trao đổi rất hữu ích cho nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, khi nó đề cập đến các tình huống tương tự với tình huống tồn tại của nghệ thuật  đương đại Việt Nam, ví dụ tình huống của mối quan hệ giữa chính trị với nghệ thuật, tình huống của sự khác biệt văn cảnh giữa người xem phương Tây với các tác phẩm nghệ thuật đương đại địa phương, với bản chất luỵ văn cảnh, v.v. Vì lẽ đó, tôi (Như Huy) đã dịch cả hai bài viết này với mục đích tư liệu tham khảo. Các trích dẫn hay đăng lại bản dịch này cần thiết phải ghi rõ nguồn và tác giả bản dịch là Như Huy
----
1-Ngải Vị Vị: Giới nghệ thuật Trung Hoa không hề hiện hữu


Việc gì phải đi tổ chức cả một triển lãm có cái tên là : Nghệ thuật của sự biến dịch: Các hướng đi mới của nghệ thuật Trung Hoa? Tôi nghĩ không có gì đáng để nói về các hướng đi mới khi bàn đến nghệ thuật Trung Hoa- nơi thậm chí còn không có các hướng đi cũ. Nghệ thuật Trung Hoa chưa hề có bất kì định hướng rõ ràng nào. Đúng là trong một triển lãm khai mạc tại Hayward Gallery ở London tuần trước có các nghệ sĩ mạnh mẽ hơn hẳn các nghệ sĩ khác trong nỗ lực chống lại các hạn chế do chính phủ áp đặt. Song điều này không hề thay đổi sự thật rằng triển lãm ấy cũng lại chỉ, thêm một lần nữa, là một nỗ lực nhằm chào hàng với công chúng phương Tây cái gọi là “nghệ thuật Trung Hoa đương đại”. Làm thế nào bạn có thể có một triển lãm về “nghệ thuật Trung Hoa đương đại” mà ở đó không có một chủ đề đương đại cấp thiết nào của đất nước được đề cập tới?

Tôi rất biết tác phẩm của hầu hết các nghệ sĩ trong triển lãm. Dĩ nhiên các tác phẩm này của Trung Hoa, song, nhìn chung, triển lãm hoàn toàn thiếu vắng cái nhìn phê phán. Trông nó giống với một hàng ăn tàu trong khu Hoa kiều, nơi bán các món ăn quen thuộc, như Gà Kung Pao, hay sườn heo chua ngọt. Mọi người sẽ ăn, và nói, ok, đây là đồ ăn Hoa. Tuy nhiên những thứ đó chỉ đơn giản là các món ăn dễ bán, và chỉ cho ta thấy rất ít về trải nghiệm thực sự của đời sống Trung Hoa ngày nay.

Sự áp đặt toàn bộ của nhà nước lên nghệ thuật và văn hoá đã cấm ngặt quyền tự do ngôn luận trong đất nước. Suốt hơn 60 năm qua, bất kì ai có quan điểm trái với đường lối đều bị đàn áp. Nghệ thuật Trung Hoa chỉ đơn thuần là một thương phẩm: nó từ khước bất kì sự dấn thân có ý nghĩa nào. Nó không hướng đến bất kì điều gì ngoài phạm vi này. Mục tiêu duy nhất của nó chỉ là làm mãn nhãn người xem bằng sự mập mờ của nó

tác phẩm "Ngủ" [sleeping] (2004/2012) của Ying Duan, tại triển lãm "Nghệ thuật của sự biến dịch: Các hướng đi mới từ Trung Hoa". Ảnh: Felix Clay

Giới nghệ thuật Trung Hoa không hiện hữu. Trong một xã hội hạn chế tự do cá nhân và vi phạm nhân quyền, bất kì điều gì tự gọi mình là sáng tạo hay độc lập đều chỉ là man trá. Với một xã hội toàn trị, việc sáng tạo điều gì đó bằng đam mê và trí tưởng tượng là bất khả.

Trung Hoa là một quốc gia với một lịch sử phong nhiêu. Sự bùng nổ kinh tế của nó đã khơi nên cơn thèm thuồng và sự tò mò từ khắp thế giới với nền nghệ thuật và văn hoá Trung Hoa, và điều này vẫn đang còn tiếp tục. Tuy nhiên, tôi có thể nói với mọi người rằng, đây chỉ là một màn kịch thiếu vắng diễn viên. Chính phủ Trung Hoa  tiêu hàng tỉ Đô la cho các dự án “quyền lực ngầm” (soft power initiatives) tìm mọi cách để cổ vũ và hỗ trợ sự trao đổi văn hoá với phương Tây, nhằm mục đích thể hiện đất nước như một quốc gia văn minh. Những động thái diễn trò này không khác gì với chính sách ngoại giao bóng bàn của chủ tịch Mao, từng được thực hiện hồi những năm 70s của thế kỉ trước: Các vận động viên bóng bàn Mỹ được mời sang Trung Hoa để chơi các trận giao hữu và qua đó tạo điều kiện cho một mối quan hệ chính trị. Theo cách này, Các chú gấu Panda khổng lồ cũng đã được gửi tặng cho rất nhiều quốc gia nhằm tăng cường mối quan hệ ngoại giao

Hình chi tiết từ tác phẩm của Peng Yu và Sun Yuan, " Tôi đã không chú ý là tôi đang làm gì" [I Didn't Notice What I am Doing] (2012) tại triển lãm "Nghệ thuật của sự biến dịch: Các hướng đi mới từ Trung Hoa". Ảnh: Felix Clay

Năm ngoái, chúng ta đã thấy Trung Hoa đưa quảng cáo đậm chất tuyên truyền của mình vào giữa quảng trường Thời đại ở New York. Trong một màn quảng cáo mà tờ quốc báo Xinhua miêu tả là một “chiến dịch ngoại giao công cộng”, các màn hình lớn chiếu các video tôn vinh ngôi sao phim hành động Jacki Chan, vận động viên bóng rổ  Yao Ming, phi hành gia Yang Liwei, và hai dương cầm thủ Lang Lang và Li Yundi. Đồng thời, viện Khổng tử, nơi cổ vũ và tuyên truyền về văn hoá Trung Hoa, cũng mở chi nhánh khắp thế giới, cùng lúc đó là các chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của những Đoàn nhào lộn theo phong cách truyền thống Trung Hoa. Với tôi, những màn diễn kiểu này là một sự lăng mạ trí tuệ của con người và là một sự nhạo báng khái niệm văn hoá- tức coi nó như một công cụ tuyên truyền mà ở đó, kĩ năng được khoe khoang mà không kèm theo bản chất, tài nghệ được trưng bày mà thiếu vắng nội dung.

Mặc dù nghệ thuật Trung Hoa bị ảnh hưởng nặng nề từ văn hoá phương Tây, song cùng lúc, nó lại từ khước các giá trị nhân bản căn cốt là bệ đỡ cho nền văn hoá ấy.  Đảng cộng sản Trung Hoa tuyên bố về một chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Hoa, song không một ai, kể cả người Trung Hoa, hiểu đó là cái chi chi. Với tất cả những điều này, cộng thêm sự thiếu ý thức về bản sắc cá nhân của các nghệ sĩ, không có lý do gì để mong đợi một triển lãm nghệ thuật Trung Hoa tại phương Tây chỉ trích hệ thống một cách hiệu quả. Song bất kỳ triển lãm nào được giám tuyển mà thiếu đi sự tôn vinh nỗ lực tranh đấu của con người, thiếu đi sự quan tâm tới nhu cầu tự biểu lộ một cách trung chính của nghệ sĩ, thì triển lãm ấy sẽ không tránh khỏi việc đưa ra một kết luận sai lầm. Bất kì điều gì tự gọi bản thân là một sự trao đổi văn hoá đều sẽ chỉ là giả tạo nếu nó thiếu đi một nội dung phê phán. Những gì cần được thấy là các thảo luận thẳng thừng, tức một bệ đỡ cho các luận điểm khác nhau. Nghệ thuật cần phải hiến mình cho điều gì đó. 

2-Bỏ Ngải Vị Vị qua bên


Một phản ứng lại với  bình luận của Ngải Vị Vị về triển lãm "Nghệ thuật của sự biến dịch: các xu hướng mới từ Trung Hoa"

Triển lãm mới nhất của Gallery Hayward “Nghệ thuật của sự biến dịch: các xu hướng mới từ Trung Hoa" vừa đây đã đón nhận rất nhiều phản ứng từ quốc tế qua những bài viết hầu hết là tích cực, tức những gì trong mọi trường hợp đều phản ánh cả sự thoả mãn lẫn phấn khích. Trong khi một số người viết cho thấy sự không chắc chắn lắm về ý nghĩa chính xác của một số tác phẩm, hầu hết đều chia sẻ quan điểm rằng triển lãm đã trình bày được một tuệ kiến về mối quan hệ giữa nghệ thuật đương đại và xã hội ở Trung Hoa, cụ thể hơn, về sự dấn thân ở góc độ phê phán của nghệ thuật Trung Hoa đương đại nhắm vào chính quyền. Sự kết hợp này của các ấn tượng khác nhau có lẽ không phải là điều gì bất ngờ. Bất chấp sự phủ sóng truyền thông hầu như mỗi ngày, Trung Hoa vẫn là điều gì đó xa vời tại Anh. Hậu quả là, hầu hết những người viết ở Anh đã thiếu đi tri thức chi tiết cụ thể (tri thức về văn cảnh Trung Hoa-ND) cần phải có để có thể tiếp cận với nghệ thật đương đại Trung Hoa. Cùng lúc ấy, về mặt nghệ thuật, người xem lại bị thách thức trước một dạng nghệ thuật mà ý nghĩa của nó họ chỉ nắm bắt được phần nào, song chính dạng nghệ thuật ấy lại đang dấn thân một cánh tường minh vào một mối quan hệ phức tạp với những thay đổi hiện đang diễn ra tại Trung Hoa đương đại.

Tuy nhiên có một người viết đã không hề có ấn tượng gì về triển lãm này. Trong các bình luận của ông cho đăng trên tạp chí Guardian vào ngày mùng 9 tháng 9 năm 2012, nghệ sĩ và nhà đấu tranh Ngải Vị Vị đã mở cả một cuộc tấn công gay gắt nhắm vào những nhà tổ chức triển lãm“Nghệ thuật của sự biến dịch", buộc tội họ về việc đã trình bày sai về nghệ thuật đương đại ở Trung Hoa. Theo quan điểm của Ngải, triển lãm đã thất bại trong việc định vị “các chủ đề đương đại cấp bách nhất”, và cụ thể là thực tế rằng ở Trung Hoa hiện nay “không có chỗ cho sự tự do ngôn luận”. Nghệ thuật đương đại ở Trung Hoa, Ngải lý luận, chỉ là một “sản phẩm đơn thuần”,tức điều “từ chối bất kỳ một sự dấn thân có ý nghĩa nào” và mục đích duy nhất của nó khi được đem ra ngoài Trung Hoa, bởi vậy, chỉ để “làm mãn nhãn người xem bằng sự mập mờ của nó”.Không có vẻ gì là Ngải đã thực sự đến xem triển lãm hay đọc vựng tập của nó bởi hiện ông vẫn bị cấm cố trong ngôi nhà của mình tại Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, sự hiện diện của  Ngải Vị Vị đã trở nên quen thuộc nơi không gian truyền thông nước Anh. Những bài diễn thuyết huênh hoang tràng giang đại hải, những cú tấn công công khai và gay gắt nhắm vào chế độ quan liêu hành chính, những triển lãm và tác phẩm gây sốt trên mọi phương tiện truyền thông, một phóng sự dài kỳ của BBC do Alan Yentob thực hiện về việc Ngải bị cảnh sát hành hung và sau đó được đưa vào bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh, việc Ngải bị bắt và giam giữ mà không hề được đưa ra xét xử, sự truy tố Ngải về tội trốn thuế, sự lạc quyên của bè bạn và những người giấu tên nhằm giúp trả tiền thuế cho Ngải, và mới gần đây, một chân dung tự hoạ có tính điện ảnh của nghệ sĩ như một con người không thoả hiệp và không hối hận đã bảo vệ cho vị trí của Ngải, không chỉ như một người bình luận thích hợp nhất về chủ đề nghệ thuật đương đại ở Trung Hoa, mà còn như hiện thân huy hoàng cho nỗ lực chống lại chủ nghĩa toàn trị tại Trung Hoa. Không một phóng sự trên đài, trên truyền hình, hay trên mặt báo về nghệ thuật đương đại Trung Hoa nào sẽ được coi là đầy đủ nếu không có ít ra là một tham chiếu loáng thoáng về Ngải, trong vai trò nghệ sĩ Trung Hoa nổi tiếng nhất và, có lẽ quan trọng nhất hiện còn đang sống. Với truyền thông Anh, ông có vai trò như thể phiên bản, nhìn từ góc độ văn hoá nghệ thuật, của Aung San Suu Kyi; Ông như thể một ngọn hải đăng đối lập, tự đốt cháy mình, tuy giờ đây buộc phải im lặng phần nào do bị nhà cầm quyền cấm cố tại gia, vẫn cuồng nộ chống lại những bất công do chính quyền Trung Hoa áp đặt xuống ông và những người khác.

Bất chấp các cải cách kinh tế và xã hội theo hướng tự do hơn trong ba thập kỉ gần đây, Trung Hoa vẫn là một quốc gia có một nền chính trị luôn tàn bạo đến nghẹt thở. Những thách thức công khai nhắm vào quyền lực của đảng công sản cầm quyền cũng như bất kỳ điều gì có thể nhìn nhận là sẽ làm xói mòn tính toàn vẹn của nhà nước-quốc gia Trung Hoa, tức những thách thức và mối nguy từng hiện hữu suốt dọc thời kỳ Mao-ít, đều đơn giản là không được cho phép. Hậu quả cho những sự vi phạm  - sự quấy rối cá nhân và gia đình, sự giam cầm không có toà án xét xử, sự trục xuất, và thậm chí cái chết- là nhất quán trong việc hoàn toàn cụ thể và độc ác. Tuy nhiên với sự xuất hiện nhanh chóng và ngày càng rộng rãi của tính hiện đại hậu chủ nghĩa xã hội tại Trung Hoa từ thập kỷ 70s của thế kỷ trước, các hạn chế về tự do hành động và ngôn luận đã trở nên linh hoạt và mờ nhoà hơn. Kết quả là, sự tự giám sát tất cả những gì có thể bị nhìn thấy, sự tự ra kỷ luật, sự phô diễn ngoạn mục quyền lực quốc gia và sự giàu có vật chất đang tăng nhanh, tất cả những điều ấy giờ đây trở thành những chiến luỹ tổng hợp trước trật tự xã hội chính trị phổ biến khắp Trung Hoa. Quyền lực quốc gia trực tiếp chỉ được cho là cần thiết khi giáng xuống các sự phản kháng cực đoan hoặc có tính lặp đi lặp lại. Ngải tiếp tục nhắc nhở chúng ta về các thực tế đáng chê trách và xấu xa triệt để này không chỉ qua rất nhiều hành động khác nhau của ông khi công khai chống lại chính quyền, mà còn qua chính tình trạng thực tế của bản thân ông, khi bị cấm cố trong ngôi nhà của mình. Sự quấy nhiễu chính quyền không ngưng nghỉ và sự không khuất phục của ông trước các hăm doạ đã dẫn đến kết quả là phản ứng đầy nguy hiểm và đe doạ song vô hình từ phía chính quyền mà viễn cảnh đơn thuần của phản ứng ấy chắc chắn sẽ làm hầu như tất cả chúng ta khiếp sợ trong sự câm lặng tuyệt vọng mãi mãi. Với sự thách thức trực diện của mình nhắm vào quyền lực, Ngải đã và đang xứng đáng với sự chú ý và ngưỡng mộ của chúng ta.

Mặc dầu vậy, có những mối nguy hiểm nghiêm trọng trong việc tôn vinh Ngải như thể người đại diện/kẻ trung giới duy nhất cho sự kháng cự của giới nghệ thuật đối với chính quyền Trung Hoa.  Trong khi lập trường đối đầu thẳng thừng và thường xuyên có tính khoa trương của ông luôn dễ dàng được chia sẻ trong văn cảnh tự do dân chủ phương Tây, nơi vẫn còn hiện diện dai dẳng ý niệm lãng mạn về những người hùng bất đồng chính trị bất chấp hiểm nguy khi đối mặt với quyền lực độc tôn, chính nó lại hoàn toàn không hề đại diện cho lập trường phê phán của hầu hết các nghệ sĩ Trung Hoa khác.  Có lẽ Ngải đã tự định vị bản thân một cách đầy ngưỡng mộ theo mẫu các ý thể kiểu phương Tây và Khai Minh về sự tự do và cởi mở, song sự thẳng thừng nghiệt ngã và tính thô sơ đến mức diễn nôm trong cách ông phê phán chính quyền đã ngăn cản một cách hiệu quả kiểu thảo luận sâu sắc hơn về nghệ thuật đương đại trong phạm vi Trung Hoa cũng như về mạng lưới phức tạp nơi các luồng lực kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội có tính văn cảnh hoá, tức những gì đang bao quanh và chi phối sự sản tạo và tiếp nhận nghệ thuật đương đại tại Trung Hoa.

Dĩ nhiên là tại Trung Hoa có một số lượng lớn các nghệ sĩ đương đại đã và đang tìm cách kết hợp các ảnh hưởng văn hoá từ cả Trung Hoa lẫn phi-Trung Hoa với nhau theo lối đơn giản chỉ với mục tiêu tìm kiếm thành công về thương mại. Cùng lúc ấy, cũng có một số rất ít nghệ sĩ, giống như Ngải, sử dụng một lối tiếp cận có tính thù địch nhắm vào chính quyền. Tuy nhiên, cũng vẫn có vô số nghệ sĩ khác tìm cách phát triển các ngôn ngữ thị giác được cấu tạo một cách đầy trí tuệ, có khả năng duy trì những hình thức tư duy và phát biểu phê phán theo một lối tinh tế hơn nhiều. Theo truyền thống Khổng-Lão của Trung Hoa, có một cách hiểu quen thuộc rằng nghệ thuật sở hữu tiềm năng đi xa hơn bề mặt hình thức đơn thuần của tác phẩm để trình ra được các bình luận xã hội quan trọng cũng như các sự Khai Minh về tinh thần. Đi theo truyền thống này, các sự phê phán thông qua nghệ thuật nhắm vào chính quyền ở Trung Hoa luôn có xu hướng hàm ngụ và thi vị, cũng như luôn được khai triển thông qua các hình thức đậm tính biểu tượng của sự không can dự. Sự thiếu thốn các phê phán thẳng thừng nhắm vào chính quyền này không hoàn toàn là vấn đề của thuyết hành dụng. Nó còn được coi là dấu hiệu của văn minh. Với những nghệ sĩ Trung Hoa văn minh, những người muốn đứng cao hơn sự tàn ác của quyền lực, các hình thức phê phán hàm ngụ và thi vị không chỉ  giúp tránh khỏi những kiểu định nghĩa dễ dãi, mà còn đươc cho là sở hữu một xung lực của sự tự khởi, thanh thoát, phù hợp với những cách thế của chính Thiên nhiên. Một ẩn dụ về việc này đã được viết trong cuốn sách kinh điển Đạo Đức Kinh của Lão Tử, về việc "vật mềm thắng vật cứng [nước chảy đá mòn]"


Tác phẩm của Liang Shaoji

“Nghệ thuật của sự biến dịch” là một triển lãm quan trọng và có tính mở đường trong việc cho thấy một phạm vi phức tạp các phản ứng phê phán đối với những sự thay đổi về quyền lực và xã hội trong nước CHND Trung Hoa. Trong khi một số tác phẩm của triển lãm sử dụng các khía cạnh thuộc tư tưởng và thực hành văn hoá truyền thống Trung Hoa như một sự thoát ly có tính kháng cự khỏi nền chính trị và đời sống Trung Hoa dòng chính, một số khác lại trình bày các phản ứng được mã hoá đơn giản và dễ đọc nhắm vào những sự phi lý đến bi thương của một xã hội vẫn bị tình trạng quan liêu, tham nhũng và sự thiếu minh bạch đến mức nghiệt ngã chi phối. Ví dụ của cách tiếp cận đầu tiên bao gồm cách Liang Shaoji sử dụng những redymades như các giá đỡ để đặt lên đó những tấm lụa do chính những con tằm sống nhả tơ mà thành (1). Một trong số cách đọc tác phẩm này cho thấy nó phản ánh mạnh mẽ mối quan tâm của nghệ sĩ đối với tính tương đối kiểu Lão Trang và Einstein- là một sự tương phản rõ rệt đối với ý niệm về sự tiến bộ khoa học duy lý, tức những gì được đảng cộng sản Trung Hoa cổ vũ. Ví dụ của lối tiếp cận sau là các tác phẩm video và sắp đặt của Sun  Yuan và Peng Yu, Gu Dexin  và Wang Jianwei tức các tác phẩm trình ra những hàm ngụ thường xuyên phức tạp và có tính bóng gió sâu xa về các hiệu ứng tổng hợp và những mâu thuẫn tiềm tàng  khi Trung Hoa tiến vào tính hiện đại toàn cầu song cùng lúc vẫn sở hữu các tàn dư dai dẳng có tính văn cảnh hoá của quyền lưc chuyên chế

Tác phẩm của Liang Shaoji

Nhìn từ một quan giác hậu Khai Minh kiểu phương Tây, tất cả những điều này cho thấy một sự yếu đuối đến mức khó tin, một kiểu đồng loã (với chính quyền), hay có lẽ, một dang tự định hướng. Tuy nhiên, Trung Hoa không phải là phương Tây, và ở đó có lẽ không có nhiều  triển vọng cho một sự chuyển hướng trong tương lai gần để có thể xuất hiện được kiểu tính công khai hay tính phê phán mà giờ đây đã quá quen thuộc trong văn cảnh dân chủ tự do phương Tây. Ấy thế nhưng, với những ai có đủ sự kiên nhẫn để quan sát, chắc chắn họ sẽ thấy ra các hình thức văn cảnh hoá của sự kháng cự, tức những gì, trong khi dễ dàng bị những cặp mắt phương Tây bỏ qua, vẫn tiếp tục, bằng phương cách lắt léo, và có lẽ, theo thời gian, đã và đang tạo được hiệu quả lên giới cầm quyền Trung Hoa.

Ngải Vị Vị đã đúng khi nhắc chúng ta phải luôn chú ý tới tình trạng bất công đến mức bệnh hoạn do quyền lực toàn trị tạo ra ở nước Trung Hoa, ông cũng chính xác khi quở trách những công chúng phương Tây bởi việc họ không có khả năng nhìn thấy quá khứ, tức những gì, với họ chỉ mang dáng vẻ mập mờ và giúp họ thoả mãn kiểu hương xa về nghệ thuật đương đại Trung Hoa. Tuy nhiên, điều không thuyết phục ở đây chính là quan điểm có tính quy giản tuyệt đối của Ngải về các khả thể phê phán khác nhau của nghệ thuật đương đại Trung Hoa. Qua việc khăng khăng đòi hỏi địa vi duy nhất cho lối tiếp cận phê phán kiểu đối lập một cách khoa trương nhắm vào quyền lực, và bởi giờ đây chúng ta đã quá biết về lối tiếp cận này, ta thấy chính Ngải chứ không phải Hayward, mới là người không thích hợp với vai trò đại diện cho giới nghệ thuật đương đại Trung Hoa. Ai đó cũng có thể bình luận thêm vào rằng, Ngải đang lãng mạn hoá các điều kiện cho tính phê phán kiểu phương Tây. 

------

*Tác giả Paul Gladston là giáo sư trường đại học Nottingham ở nước Anh  


1-Tác phẩm của Liang Shaoji được Rachel Spence mô tả như sau: “…sắp đặt của ông được trưng bày trong một phòng tối, mà ở đó có đặt những rổ đựng những con sâu tằm được phủ bằng những lá dâu tằm. Hành vi của những con sâu tằm này, bò sột soạt, rỉa lá, và kéo kén trong quá trình hoá bướm  đã được thu lại trực tiếp và phát ra qua tai nghe. Trong một phòng khác, những tấm màng mỏng bằng tơ tằm thô bọc những chiếc kén vào cùng với các đồ vật từ những chiếc giá đỡ làm bằng dây đồng tới những dây xích treo từ trần và những cửa sổ có chấn song  vông bằng gỗ kiểu Trung Hoa. Tất cả âm thanh, hình dáng và sự đan kết của tác phẩm đều biểu lộ một tính phổ quát siêu vượt khỏi thời gian và không gian. Trong một khoảnh khắc, chúng ta dường như thuộc về chính thế giới của những con sâu tằm, mà ở đó, quá khứ, hiện tại, tương lai là không thể chia tách...


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Ngược lại với Hoa Kỳ


- Một giáo viên ở Phần Lan giải thích tại sao hệ thống trường học ở đất nước này lại tốt nhất thế giới: "Chúng tôi trả lương cho giáo viên ngang với bác sĩ, học viên được nghỉ giải lao một tiếng đồng hồ và không có bài kiểm tra bắt buộc; ngược lại với Hoa Kỳ"


-Tổng thống Bồ Đào Nha giải thích tại sao nước này giảm được nửa số người nghiện thuốc phiện: "Chúng tôi không kỳ thị các loại ma túy, và coi đó là vấn đề của Sức khỏe Cộng đồng thay vì là loại tội phạm; ngược lại với Hoa Kỳ"

- Tổng thống Iceland giải thích cách đất nước này phục hồi nhanh chóng sau thời kỳ ngưng trệ: "Chúng tôi bảo đảm quyền lợi cho người dân và bắt giam những tội phạm tài chính; ngược lại với Hoa Kỳ và hầu hết các nước Châu Âu đang làm


Chuyển dịch bởi BookHunter

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Quên Síp đi, Nhật Bản mới là cuộc khủng hoảng thực


Trước chính sách nới lỏng tiền tệ của Hoa Kỳ và tạo nên một cuộc chạy đua tiền tệ, thì chính phủ NB đã hành động để thoát khỏi kịch bản giảm phát 23 năm qua họ vẫn dùng.

Việc in tiền kích thích kinh tế này của Nhật Bản có khả năng dẫn tới một cuộc chiến tiền tệ.

Con quái vật kích thích kinh tế đang khởi động

Boj quyết định tung ra 101 nghìn tỷ yên để mua trái phiếu chính phủ trong tay các tổ chức tư nhân và như vậy chính họ đang dùng cách tạo ra tiền từ không khí

Việc quyết định như trên là NB dựa trên những tín hiệu khả quan của nền kinh tế HK khi gói QE được tung ra, thêm nữa là chính sách thắt lưng buộc bụng của Châu Âu đang áp dụng và không cho thấy sự hiệu quả, và NB chưa bao giờ cố gắng kích thích kinh tế bằng giảm phát nên họ cần phải hành động theo HK.


Nhưng nhìn vào những bảng biểu sau thì cách nhìn nhận trên là có vấn đề



EU tuy nói rằng thắt lưng buộc bụng như thực chất họ vẫn bội chi ngân sách, và số nợ của họ vẫn tăng lên
Chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ thực sự làm việc tại Châu Á những năm 97 98 khi khủng hoảng kinh tế mang lại sự mất mát to lớn cho các nước Châu Á.

Và thực sự thì NB chưa bao giờ cho thấy tín hiệu lạc quan khi nới lỏng tiền tệ: Trong những năm 2001 2006 lượng tiền cơ bản tăng lên 82% những thực tế thì nền kinh tế vẫn không được hồi sinh 

Nợ của Chp NB hiện nay là 245 %GDP, nợ quốc gia là 500%GDP, NB có 2 lựa chọn: Hoặc giảm chi tiêu hoặc in nhiều tiền hơn đê trả nợ.

Và họ chọn cách thứ 2, cũng như nhiều nền kinh tế đang làm, biện pháp này sẽ dẫn đến kết quả thậm chí còn đau đớn và kéo dài hơn.

Việc này sẽ khiến cho đồng Yen mất giá so với đồng dollar.

Và hệ quả là các nước tiếp theo sẽ thực hiện chính sách như NB để trả đũa, khi đó 1 cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự bắt đầu. 

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Những thanh niên Hy Lạp tự tạo nên cuộc sống độc lập


Trên sườn núi Telaithrion, đảo Evia, một nhóm các thanh niên trẻ người Hy Lạp đã rời xa thành phố bận rộn và tạo ra một cộng đồng nông thôn tự cung cấp. Mục tiêu của họ là chỉ ăn thức ăn hữu cơ sản xuất do chính cộng đồng trồng trọt, để tự giải phóng mình khỏi mạng lưới điện quốc gia, và trao đổi những gì họ trồng trọt thay vì sử dụng tiền để mua bán.

Mục tiêu nền tảng là tạo ra một ngôi trường dậy về cuộc sống bền vững, đó là ý tưởng của bốn người dân Athens đã gặp mặt trực tuyến vào năm 2008, họ cùng có điểm chung về sự bất mãn của họ với công hàng ngày trong cuộc sống đô thị.

Năm thứ hai sống vĩnh viễn trên vùng đất rừng bên cạnh làng Aghios, 80% thực phẩm mà họ ăn đến từ hai khu vườn thảo mộc, vườn rau quả và vườn trái cây mà họ trồng. Gần như tất cả các thành viên trong nhóm tuân thủ theo một chế độ ăn chay nghiêm ngặt, ngủ trong lều yurt của vùng Trung Á.




Bất cứ sản phẩm nào thu hoạch được từ vườn của mình họ đều trao đổi với người trong làng để lấy các sản phẩm họ không thể sản xuất.

Apostolos Sianos, 32 tuổi, người đồng sáng lập của dự án, anh đã bỏ một công việc thiết kế trang we tại Athens để bắt đầu tạo nên trường học cộng đồng, đúng với ý nghĩa là 'miễn phí và thực tế' – ‘free and real.’

[Apostolos Sianos, đồng sáng lập của ‘free and real’]: 
"Cuộc khủng hoảng hoặc các biện pháp thắt lưng buộc bụng không thực sự ảnh hưởng đến bạn bởi vì bạn tạo ra cuộc sống và tương lai của chính mình mỗi ngày, nó không liên quan đến những sự kiện đang xảy ra ngoài kia. Tất nhiên, nó có thể (có) ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng theo chiều hướng tốt bởi vì ngày càng nhiều người nữa sẵn sàng để bắt đầu cuộc sống tự cung tự cấp và bền vững, do vậy, họ liên hệ với chúng tôi, và nhiều hơn và nhiều hơn nữa số lượng người muốn tham gia cùng chúng tôi sau khi cuộc khủng hoảng.
"Nhóm chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để liên kết những người có mong muốn học hỏi kiến thức của dự án, năm ngoái hơn một trăm người dân từ Hy Lạp và ở nước ngoài đến hỏi về việc tham gia hợp tác trong một số hình thức. Dionysis Papanikolaou là một ví dụ, anh từ bỏ một sự nghiệp học tập hấp dẫn để được gần gũi hơn với thiên nhiên và xa bầu không khí nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. 

[Dionysis Papanikolaou, thành viên nhóm]:
 "Nếu bạn tiếp tục đọc tin tức, xem truyền hình về cuộc khủng hoảng, những tin tức này lặp lại hàng ngày, thậm chí trong tiềm thức bạn cũng vang lên từ khủng hoảng thì tại nơi này vẫn có cuộc khủng hoảng diễn ra. Ý tôi là, nếu bạn làm như vậy thì sẽ không có sự khác biệt nào hết."
 Nhóm tự hào về nguyên tắc tự cung tự cấp.

[Panagiotis Kantas, đồng sáng lập của 'Free và Real']:
"Cuộc sống thực tế chính là không gian bên ngoài ngôi nhà của bạn. Khi bạn phải tự sưởi ấm mình, bạn phải đi ra ngoài rừng gỗ và thu thập gỗ, củi, rồi mang nó về nhà để thực sự tự sưởi ấm chính mình.
Nhóm hiện đang tổ chức hội thảo về nông nghiệp hữu cơ và đã lên kế hoạch cho một trường học lớn về cuộc sống bền vững được xây dựng vào cuối mùa hè này, và để làm được điều đó, họ quyên tiền qua một trang web trên internet. 

[Panagiotis Kantas, đồng sáng lập của 'Free và Real']: 
"Tôi chỉ cố gắng để trở thành điều tôi muốn thay đổi, thay vì chờ đợi một chính phủ thực hiện thay đổi, hoặc thay vì bỏ phiếu cho một người nào đó để làm cho sự thay đổi thì Tôi cố gắng là chính sự thay đổi đó".