1. Tôi đến từ nông thôn, gần như từ luống cày chui ra. Thế rồi, như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông. Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học.
Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Một trong những thứ đó là niềm tin giữa con người với con người.
Trước khi ra nước ngoài, những hình dung của tôi về thế giới bên ngoài, về xã hội phương Tây chỉ gói gọn trong mấy chữ: ăn chơi, đồi trụy, tội ác, lừa đảo, thù địch, bóc lột, giãy chết. Tất cả đều là những tính từ và những danh từ, đại từ chung. Rất ít bóng dáng những con người cụ thể, sự việc cụ thể.
Những ý niệm này đã len lỏi vào đầu tôi qua báo chí, phim ảnh, giảng đường, đài truyền thanh... Ngay cả những bàn tán của người lớn quanh bàn trà quê mỗi tối đôi khi cũng có những tác dụng tương tự.
Nhưng tịnh không có một lời nào về niềm tin giữa những con người trong xã hội này. Dường như đó là xã hội của loài lang sói. Chỉ đất nước tôi đang sống đây mới là xã hội của loài người. Tôi tin như vậy, và bao người khác cũng tin như vậy.
Hình dung về xã hội bên ngoài trong đầu tôi là rõ ràng và chắc nịch. Những nhận định được giảng đi giảng lại như một niềm tin yêu vĩnh cửu lẽ nào lại có thể sai. Nhưng vì sao lại có màn sương che phủ?
Những cái tên nước ngoài mỗi ngày thêm phổ quen thuộc. Bên cạnh tên của các nhà khoa học mà tôi gặp hang ngày trên trang sách, thì tên của cả các ca sĩ và các cầu thủ bóng đá cũng dần trở thành những cái tên cửa miệng: tong trang sách, trên mặt báo, trên màn hình ti vi, trong quán nước, ngoài đường phố.
Tôi nhận ra có một sự mâu thuẫn đang quẩn quanh đâu đó chỗ này. Thế giới bên ngoài vừa hấp dẫn vừa đáng sợ. Xã hội bên ngoài vừa cụ thể rõ ràng, vừa mập mờ trừu tượng. Những cái tên nước ngoài vừa xa lạ vừa gần gũi.
Màn sương vẫn còn đó, dù đã mỏng đi đôi chút. Nhưng các ý niệm trong đầu tôi vẫn vững chắc. Tôi tụ nhủ: Chân lý có bao giờ sai.
Nhưng vì sao chân lý lại ẩn nấp sau một màn sương mờ?
Tôi chìm trong sự hoài nghi dày đặc. Tôi hoang mang nhận ra các mâu thuẫn. Và các diễn giải, không phải lúc nào cũng đưa ta đến gần sự thật.
Sự tò mò của tuổi trẻ đã kéo tôi ra khỏi màn sương đó. Tôi muốn thấy bên ngoài họ sống và làm việc như thế nào. Tôi muốn nhìn thấy nó rõ ràng. Mà như vậy, tôi chỉ còn một cách là phải đến tận nơi, sờ tận tay, nhìn tận mặt...
2. Tôi ra đi với tâm trạng đầy tò mò và cảnh giác. Để rồi cũng đầy vật vã khi nhận ra chân lý chỉ là định kiến được tưới mãi vào đầu. Rồi cũng đầy an ủi khi thấy rằng đã là con người thì ở đâu cũng có tin yêu, dù vẫn còn đó sự bất toàn, tốt xấu song hành.
Tôi lang thang từ hệ thống này sang hệ thống khác. Vấn đề là ở những định kiến mang tính hệ thống, chứ không phải ở con người.
Tôi dành hai năm để kết tinh lại nhận thức của mình. Tôi thay đổi, vì trải nghiệm, không phải vì những lời thuyết giảng.
Rồi tôi đi xa hơn nữa. Càng đi xa, tôi càng xót xa vì sự lệch lạc, thậm chí kỳ quái, trong những nhận thức trước đây của bản thân mình.
3. Tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên.
Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng.
Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc.
Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu.
Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi.
Tôi và một người bạn đi mua bảm hiểm xe. Điều khoản cho thấy biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận...
Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.
4. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa. Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa.
Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc?
Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong.
Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy.
Tôi ngẫm ra: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. Mà càng ít niềm tin thì càng nghèo khó.
Tôi bật cười: nghèo khó đúng quy trình.
5. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên. Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo.
Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định.
Quy định gì? Quy định không được tin nhau.
Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài.
Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỉ gì đang xảy ra vậy? Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra?
Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định.
Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét?
Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét.
Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể.
Tôi rút ra kết luận: Người Việt không tin người Việt. Người Việt không hiểu răng mình có quyền được người khác tôn trọng.
Xã hội đang bắt người Việt phải nghi ngờ nhau.
6. Chúng tôi ra về, nhưng câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau vẫn là một ám ảnh. Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện? Phải chăng di chứng của mấy chục năm chiến tranh vẫn còn hằn nặng, để người Việt luôn thấy mọi thứ xung quanh đều là thù địch, đáng ngờ? Hay có một hệ thống tinh vi đang bắt chúng ta phải nghi ngờ nhau “theo quy định, đúng quy trình”?
Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này?
Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”?
Và khi nào thì người ta không tin nhau?
Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá.
Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này?
Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều.
7. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển. Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trờ thành “nỗi nhục lớn”? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở lên cạn kiệt?
Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình?
Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng hòa giải, hòa hợp làm sao khi sự nghi kỵ nhau đã được nâng lên thành quy định?
Niềm tin là một vốn quý của xã hội. Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển?
Vậy nên, câu chuyện về vốn xã hội, trước hết phải là câu chuyện của niềm tin. Mà câu chuyện của niềm tin thì có gì khác hơn là câu chuyện về sự trung thực?
Cũng vậy nên, để khôi phục được niềm tin và làm giàu thêm lưng vốn của mình, vốn đã bị chiến tranh và những sai lầm trong lịch sử tàn phá làm quá nhiều, thì trước hết phải khôi phục được sự thẳng ngay trung thực.
Không có sự trung thực thì không có niềm tin. Không có niềm tin thì thời gian và nguồn lực sẽ chỉ dành cho việc nghi ngờ, đề phòng và cắn quẩn lẫn nhau. Mà mề phòng cắn quẩn lẫn nhau thì nghèo hèn, tụt hậu sẽ là điều tất yếu.
Nguồn http://www.giapvan.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét